Search
Close this search box.

Bật mí người tạo ra trend xếp hình lá cờ từ giấy chứng nhận hiến máu

Tối 17/8 vừa qua, hình ảnh những tờ giấy chứng nhận hiến máu được xếp ngay ngắn, tạo thành lá cờ Tổ quốc được 2 chị em sinh đôi Thái Bình – Hà Tĩnh (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ lên mạng xã hội. Thái Bình chia sẻ: “Các mảnh ghép lá cờ Tổ quốc Việt Nam được góp vốn 50% của Thái Bình và 50% của Hà Tĩnh. Nhưng ý tưởng và hình mẫu của anh công an Trần Văn Phú nha”. Còn Hà Tĩnh cũng chung niềm tự hào: “Được chú công an gửi ảnh và cái kết là đã có trào lưu “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, hiến máu nào!” hết sức tự hào trên mạng xã hội”.

Anh công an được hai bạn nhắc đến – người đầu tiên tạo ra trend xếp hình lá cờ Tổ quốc từ giấy chứng nhân hiến máu chính là Thượng úy Trần Văn Phú (Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị, Công an tỉnh Hậu Giang). Hiến máu lần đầu tiên khi vừa tròn 18 tuổi vào năm 2008, đến nay, Thượng úy Phú đã có 83 lần hiến máu, hiến tiểu cầu.

Trong lúc tập hợp hồ sơ, anh chợt nảy ra ý định xếp thử giấy chứng nhận hiến máu. “Chỉ mất vài phút nên hình ngôi sao chưa được đều lắm, nhưng Phú không ngờ là sau khi gửi ảnh cho một người bạn thì ngay lập tức được bạn hưởng ứng và lan tỏa ngay trong đêm 17/8. Do thất lạc một số giấy chứng nhận, nên hình này được xếp từ 75 tờ”, Thượng úy Trần Văn Phú chia sẻ về “3 phút ngẫu hứng tạo nên trend” của mình.

Thượng úy Trần Văn Phú bên tác phẩm được xếp lại cẩn thận hơn từ những giấy chứng nhận hiến máu của mình.

Thượng úy Trần Văn Phú chính là nhân vật đã được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chia sẻ trong bài viết vào tháng 8/2022: “Gia tài của Thượng úy Công an từng đi 700km hiến máu”.

Phú từng kể, anh có 2 mục tiêu cháy bỏng khi còn học phổ thông: một là thi đỗ vào Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an Nhân dân (Bắc Ninh), hai là được hiến máu tình nguyện. Và đến giờ, anh đã hoàn thành xuất sắc cả 2 mục tiêu ấy.

Năm 2008, khi vừa tròn 18 tuổi, Phú đã cùng những người bạn bắt xe buýt từ trường đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (tại Hà Nội) với quãng đường 60km để hiến máu.

Sau khi hiến máu, anh cảm thấy tinh thần vui vẻ, hạnh phúc hơn khi biết mình đã làm được một việc tốt, hơn nữa sức khỏe luôn được cải thiện. Hiểu được những lợi ích của hiến máu nên cứ định kỳ 3 tháng 1 lần, anh lại tham gia và coi đây như một việc làm hoàn toàn bình thường. Sau này, Phú còn hiến tiểu cầu để được góp sức thường xuyên hơn.

Cũng thời sinh viên, Phú còn từng đi 700km vào Thừa Thiên Huế hiến máu. “Hôm ấy,  đọc được thông tin trên Facebook về một nạn nhân ở Huế đang nguy kịch vì tai nạn giao thông, cần tiểu cầu nhóm A để cấp cứu. Nghĩ đến tính mạng người bệnh đang ngàn cân treo sợi tóc, lại cùng nhóm máu với mình, tôi đã lập tức ra bắt xe vượt qua quãng đường gần 700km vào Huế”.

Sau này khi công tác ở nhiều vị trí khác nhau hoặc khi tiếp tục học tập tại TP. Hồ Chí Minh, Phú đều tích cực hiến máu, hiến tiểu cầu. Chỉ với suy nghĩ đơn giản: “Là một chiến sĩ Công an nhân dân, tôi luôn xem việc hiến máu cứu người là trách nhiệm, là nghĩa vụ phải làm dù ở bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào. Chỉ cần nhìn thấy những bệnh nhân đang khỏe lên từng ngày là lòng mình thấy mãn nguyện”.

Phú cũng mong muốn mọi người hãy tiếp tục lan tỏa, đồng hành với hoạt động này: “Mỗi người hãy biết chia sẻ, biết cho đi, biết trao tặng những gì tốt nhất mà mình có cho người khác”.

Trần Văn Phú hiến máu tại Hà Nội khi tham dự chuỗi hoạt động Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2022 (ảnh: Trần Chiến).

Năm 2022, Trần Văn Phú vinh dự là một trong 2 đại diện của tỉnh Hậu Giang được Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu.

Trần Văn Phú (thứ 2 từ trái sang) cùng các đại biểu lực lượng Công an nhân dân được tôn vinh hiến máu tiêu biểu năm 2022 (ảnh: Trần Chiến).

Thượng úy Trần Văn Phú (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng đội hiến máu tại Hành trình Đỏ tỉnh Hậu Giang năm 2024.

Đến nay, với 83 lần hiến máu và lưu giữ được 75 tờ giấy chứng nhận ép plastic cẩn thận, Thượng úy Trần Văn Phú rất hạnh phúc và bất ngờ khi hành động ngẫu hứng của mình được hàng ngàn người hiến máu trên cả nước ủng hộ, lan tỏa.

“Ban đầu khi nảy ra ý tưởng xếp những tấm giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện thành lá cờ, tôi cũng không nghĩ mình được cộng đồng hưởng ứng đến vậy. Thấy hàng ngàn lá cờ trên mạng xã hội được mọi người xếp rất chỉn chu, đẹp và sáng tạo ra nhiều hình thức khác nhau, tôi vô cùng tự hào. Lá cờ được tạo thành từ những tấm “sổ đỏ” vừa là biểu hiện của lòng nhân ái, vừa thể hiện tinh thần yêu nước”.

Hình ảnh được cộng đồng hiến máu chia sẻ trên các trang mạng xã hội vài ngày qua.

Dù hiến máu hơn 80 lần, dũng cảm trong chiến đấu và tập luyện, nhưng chàng trai công an vẫn chung cảm giác… sợ kim hiến máu.

Phú trong bộ trang phục cosplay tại giải chạy Mekong Delta tỉnh Hậu Giang tháng 7/2024. Chàng thanh niên luôn muốn lan tỏa tinh thần sống tích cực và giàu năng lượng.

Tổng Hợp

Xem thêm các bài viết